Nhân Ngày sức khoẻ Thế giới (7/4/2022), Tổ chức Y tế Thế giới công bố 9 sự thật về biến đổi khí hậu và sức khoẻ.
1 Biến đổi khí hậu chính là mối đe doạ về mặt sức khoẻ lớn nhất mà loài người đang phải đối mặt. Ô nhiễm không khí, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, tình trạng mất an ninh lương thực, áp lực lên sức khỏe tâm thần, bệnh tật… tác động trực tiếp đến sức khoẻ người dân. Hằng năm có khoảng 13 triệu người tử vong do tác nhân liên quan đến yếu tố môi trường.
2 Ước lượng vào năm 2050, thực hiện được các mục tiêu của Hiệp định Paris (Hiệp định quốc tế về biến đổi khí hậu có hiệu lực từ 2016) có thể cứu khoảng một triệu sinh mạng mỗi năm trên toàn thế giới thông qua việc giảm thiểu ô nhiễm không khí. Tránh những tác động xấu nhất của khí hậu có thể giúp ngăn ngừa thêm 250.000 ca tử vong liên quan đến khí hậu mỗi năm từ năm 2030 đến năm 2050, chủ yếu là tác động từ suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và sốc nhiệt.
3 Giảm lượng khí thải carbon sẽ đem lại lợi ích về mặt sức khoẻ gấp đôi so với chi phí toàn cầu dành cho các biện pháp đo lường giảm thiểu carbon.
4 Hơn 90% người dân hít thở không khí ở mức độ ô nhiễm không tốt cho sức khỏe, phần lớn là do đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra biến đổi khí hậu. Năm 2018, ước tính mỗi ngày, ô nhiễm không khí do nhiên liệu hóa thạch gây tiêu tốn khoảng 2,9 nghìn tỷ đô la chi phí y tế và khoảng 8 tỷ đô la chi phí kinh tế.
5 Giao thông vận tải tạo ra khoảng 20% lượng khí thải carbon toàn cầu. Các giải pháp thay thế như đi bộ và đi xe đạp vừa thân thiện môi trường vừa mang lại những lợi ích sức khỏe lớn, chẳng hạn như giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính và cải thiện sức khỏe tâm thần.
6 Hệ thống sản xuất, đóng gói và phân phối thực phẩm tạo ra một phần ba lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Cần các phương thức sản xuất bền vững hơn để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hỗ trợ tạo ra các chế độ ăn giàu dinh dưỡng hơn nhằm phòng ngừa gần 11 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.
7 Hệ thống y tế là tuyến phòng thủ chính cho các nhóm dân cư đang phải đối mặt với các mối đe dọa sức khỏe mới nổi, bao gồm cả biến đổi khí hậu. Để bảo vệ sức khỏe và tránh gia tăng bất bình đẳng về sức khỏe, các quốc gia phải xây dựng hệ thống y tế thích ứng với khí hậu.
8 Đa số các quốc gia xác định y tế là lĩnh vực ưu tiên dễ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Nhưng vẫn còn một khoảng trống lớn về tài chính. Các dự án y tế chỉ nhận dưới 2% trong các khoản tài trợ khí hậu đa phương.
9 Một xã hội lành mạnh là xã hội dựa vào các hệ sinh thái vận hành tốt để cung cấp không khí sạch, nước ngọt, thuốc men và an ninh lương thực. Những điều này giúp hạn chế dịch bệnh và ổn định khí hậu. Tuy nhiên, tình trạng mất tính đa dạng sinh học đang diễn ra với tốc độ chưa từng có, gây tác động lớn đến sức khỏe con người trên toàn thế giới và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm mới nổi.
(Theo: “Fast Facts on Climate and Health” – www.cdn.who.int)