NHỮNG NĂM MÃO ĐÁNG NHỚ CỦA BÁC HỒ

NHỮNG NĂM MÃO ĐÁNG NHỚ CỦA BÁC HỒ

——

Năm 1915 (năm Ất Mão), khi mà ở Việt Nam mùa xuân đang về thì ở London (Anh) rất lạnh. Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành 25 tuổi, đang làm nghề quét tuyết, có ngày phải làm đến tận đêm. Lúc rảnh rỗi, anh tự học tiếng Anh và đọc sách tiếng Pháp viết về nước Nga. Về thời điểm ấy của Bác Hồ, nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê/ Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá/ Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ/ Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?” (Người đi tìm hình của nước).

Năm Đinh Mão (1927), Bác viết Đường cách mệnh, tác phẩm mà cho đến nay thế giới khẳng định có tầm nhìn văn hóa vượt thời đại. Năm 1996, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa ra triết lý giáo dục cho toàn thế giới trong thế kỷ 21 là “học để có kiến thức, học để làm việc, học để biết chung sống, học để làm người”, thì ở Đường cách mệnh, rõ nhất là phần mở đầu “Tư cách một người cách mệnh”, ngay từ năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã nêu đầy đủ, cụ thể về triết lý giáo dục con người. Với UNESCO, “học để có kiến thức” thì ở Đường cách mệnh là: “Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét”; “học để làm việc”, với Bác là “Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”; “học để biết chung sống”, ở Đường cách mệnh là: “Hòa mà không tư”, “Vị công vong tư”, “Trực mà không táo bạo” và “học để làm người”, với Bác là: “Cần kiệm”, “Cả quyết sửa lỗi mình”, “Cẩn thận mà không nhút nhát”; “Không hiếu danh, không kiêu ngạo”, “Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất”.

Sự gặp gỡ giữa Đường cách mệnh với triết học văn hóa hôm nay ở tầm nhìn về mẫu người văn hóa. Thể hiện trước hết là coi trọng chủ thể văn hóa (con người), coi đây là vấn đề quyết định. Rất có chủ ý, Nguyễn Ái Quốc đưa vấn đề chủ thể lên đầu tiên “Tự mình phải” với 14 nguyên tắc, mà đứng ở quan điểm ngày hôm nay cũng không thể bác bỏ bất cứ một nguyên tắc nào. Triết học văn hóa đề cao hiểu biết, sống giản dị, chân thành mà mạnh mẽ, hòa nhập với thế giới, chia sẻ với cộng đồng… Tác giả Đường cách mệnh cũng đưa ra những yêu cầu tương tự: “Cẩn thận mà không nhút nhát”, “Quyết đoán. Dũng cảm”, “Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người”… Triết học văn hóa yêu cầu trong thời hội nhập, con người cần có bản lĩnh giữ vững bản sắc thì ở Nguyễn Ái Quốc là “Giữ chủ nghĩa cho vững”…

Ngày nay, người ta nói nhiều về chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, thì điều ấy đã sâu đậm ở Nguyễn Ái Quốc ngay từ những năm đầu thế kỷ 20. Hạt nhân của chủ nghĩa nhân văn là yêu thương con người-đã có trong Đường cách mệnh: “Với từng người thì khoan thứ”; là quý trọng, nâng đỡ con người-đã có trong Đường cách mệnh với “Có lòng bày vẽ cho người”… Mục đích của Bác Hồ, xét đến cùng là đi tìm độc lập cho nước, hạnh phúc cho dân, là nhất quán một cách trọn vẹn ngay từ thời điểm Người ra đi tìm đường giải phóng cho dân tộc.

Năm Tân Mão 1951, ngày 5-2, trên Báo Cứu quốc có Thơ chúc Tết của Bác Hồ: “Xuân này kháng chiến đã năm xuân/ Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công/ Toàn dân hăng hái một lòng/ Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời”. Bài thơ phơi phới, chắc chắn một niềm tin, cũng là lời nhắc nhở, động viên, đồng thời cũng là một hiệu lệnh: “Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời”. Bốn câu thơ nhưng nói lên cả một tình thế chiến lược của cách mạng, của dân tộc!

Cho tới năm 1963, bối cảnh nước ta bị chia cắt thành hai miền. Miền Nam phải sống trong cảnh đau thương dưới ách cai trị tàn ác của chính quyền Mỹ-Diệm. Phút Giao thừa Xuân Quý Mão 1963, trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời chúc Tết tới đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài, khẳng định ý chí đoàn kết không gì lay chuyển: “Nước Việt Nam ta là một/ Dân tộc Việt Nam ta là một/ Dù cho sông cạn đá mòn/ Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà”. Đó là lời chúc, cũng là lời của chân lý lịch sử, đồng thời là nhiệm vụ thiêng liêng của cách mạng Việt Nam. Thơ chúc Tết của Bác Hồ luôn có đặc điểm là tràn đầy niềm tin. Lời chúc mừng Xuân Quý Mão cũng vậy, Người kết lại về câu chữ nhưng mở ra một niềm tin tưởng: “Mừng năm mới/ Cố gắng mới/ Tiến bộ mới/ Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi!”.

Tháng 5-1963, Quốc hội nước ta quyết định tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Sao Vàng-huân chương cao quý nhất. Với tấm lòng chân thành và cực kỳ khiêm tốn, Bác Hồ bày tỏ ý nguyện của mình trước Quốc hội: “Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để tặng thưởng người có công huân, nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”(1). Người tha thiết đề nghị: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”(2).

Ngày nay, chúng ta đang triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ở phương diện đạo đức, chúng ta thấm nhuần đức tính hy sinh và liêm khiết đến vô cùng trong sáng, cao cả của Người: “Bác để tình thương cho chúng con/ Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”! (Bác ơi!-Tố Hữu).

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

(1), (2) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 1996, tập 8, tr.404-405

Nguồn: Tuổi trẻ Tân Bình

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

MENU
Bệnh viện quận Tân Bình
HOTLINE (0966381010)