Ngày 14 – 3 – 1962, Bác viết bài đăng trên báo Nhân dân: “Làm thế nào cho lạc thêm vui”, ký tên T.L. Trong bài có chi tiết: “Mỗi tấn lạc bán ra nước ngoài thì được 1,5 tấn gang nhưng Bác viết nhầm là 15 tấn gang. Ba ngày sau đó Bác viết một bài, cũng ký tên là T.L: “Trồng người hoa nở”, kêu gọi mọi đơn vị, địa phương, mọi ngành cần phải ra sức trồng người cho hoa nở đẹp! Phía dưới bài này, Bác đề chữ “xin lỗi” (mà thông thường chúng ta hay viết là “sửa lại” hoặc “đính chính”). Nội dung Bác viết là: “Trong báo Nhân dân 14 – 3 – 1962, dưới đầu đề: “Làm thế nào cho lạc thêm vui” đúng là một tấn lạc đổi được 1,5 tấn gang, nhưng vì sai sót một dấu phẩy mà viết sai, thành 15 tấn. Đó là một thái độ không nghiêm túc, không cẩn thận. T.L xin thật thà tự phê bình và xin lỗi bạn đọc”.
Đọc mấy lời của Bác Hồ, chúng ta thật là xúc động. Những người làm báo chí, mỗi khi thấy có một lỗi thì người viết đổ tại người đánh máy, người đánh máy đổ tại người viết không rõ, phóng viên đổ cho biên tập, người này đổ tại ông kia, rồi cuối cùng cứ đổ vấy cho nhau. Khi cải chính lại, thì chỉ đơn giản bài gì đấy, câu gì đấy, trang mấy, dòng mấy, xin đọc lại…
Ở đây chúng ta thấy cái mẫu mực, thái độ, trách nhiệm rất cao của Bác với bạn đọc. Bác là lãnh tụ của Đảng, của dân tộc, một ngày giải quyết hàng trăm nghìn việc, đâu có phải làm báo chuyên nghiệp. Thế nhưng chỉ một dấu phẩy như vậy, Bác viết cả một câu vừa tự phê bình, vừa xin lỗi thật nghiêm túc.
Bác Hồ thật là mẫu mực đối với chúng ta về công tác báo chí. Bác làm Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, có một sai sót nhỏ vậy, mà thái độ của Bác như thế, thật đáng trân trọng, đáng cho mọi người viết báo chúng ta học tập.
Nguồn: In trong Bác Hồ nói chúng cháu ghi, NXB Đà Nẵng, 2004, Tuổi trẻ Tân Bình